27 Tháng Tư, 2024

Tổng hợp các món ăn đặc sản của Sóc Trăng

Sóc Trăng, một vùng đất phong phú về văn hóa, là nơi mà dân tộc Kinh, Hoa và Khmer cùng sinh sống và giao thoa bản sắc qua nhiều thế kỷ. Đây cũng chính là nguồn cảm hứng cho sự đa dạng và phong phú trong ẩm thực của Sóc Trăng. Những người đã từng du lịch vùng đất này sẽ khó mà quên được hương vị đặc biệt của những món ăn dân dã và thú vị. Ngay sau đây, Blog Ẩm Thực sẽ giới thiệu những món ăn ngon đặc sản của Sóc Trăng mà bạn nhất định phải thử khi ghé thăm nhé!

1. Bún nước lèo
2. Bún gỏi dà
3. Bún vịt nấu tiêu
4. Hủ tiếu cà ri
5. Cháo cá lóc rau đắng
6. Bò nướng ngói
7. Canh chua cá bông lau vùng sông Hậu
8. Cá bống sao
9. Bánh cống
10. Bánh pía Sóc Trăng
11. Mè láo
12. Mì sụa
13. Bánh ống
14. Bánh in
15. Bánh gừng
16. Bánh dứa (bánh rây)
17. Khô trâu Thạnh Trị

1. Bún nước lèo

Bún nước lèo là một món đặc sản Sóc Trăng nổi tiếng, nhờ cách chế biến độc đáo của cư dân địa phương. Nước dùng được nấu từ nước cốt dừa, sả, và mắm bò hóc, tạo nên một hương vị đặc trưng. Trong tô bún còn có thịt heo thái mỏng, tép, ớt và đủ loại rau tươi ngon. Sự kết hợp độc đáo của những nguyên liệu có thể khiến cho món ăn hơi nặng mùi ở lần đầu ăn thử. Tuy nhiên, sau một vài lần ăn, bạn sẽ bị cuốn hút bởi hương vị dân dã, mang đậm bản sắc của người Khmer Nam Bộ.

 

<<<Xem thêm: Tổng hợp các món ăn đặc sản của Hà Giang

2. Bún gỏi dà

Món bún gỏi dà lần đầu nghe sẽ cảm thấy rất lạ. Tuy nhiên, thực tế, đây là phiên bản nước của món gỏi truyền thống. Điểm độc đáo của món này là nước súp được chế biến rất đặc biệt. Nước súp được ninh từ xương heo, me chua, tương hạt nên có vị ngọt ngọt và thơm thơm. Tô bún bắt mắt với tôm đỏ, thịt ba chỉ, giá đỗ, sườn non, đậu phộng rang và nước tương kết hợp với nước súp đậm đà và các loại rau, tạo nên một trải nghiệm ẩm thực độc đáo, khó có thể quên.

 

3. Bún vịt nấu tiêu

Ai mê thịt vịt thì nhất định không thể bỏ qua món bún vịt nấu tiêu. Mặc dù có vẻ giống vịt tiềm nhưng khi thưởng thức, bạn sẽ được trải nghiệm một hương vị độc đáo. Món này do người Hoa sáng tạo và được rất nhiều người yêu thích và cho vào danh sách những món khoái khẩu. Nước dùng có sử dụng tiêu xanh để tạo vị cay cùng vị ngọt đến từ xương và nước dừa. Món này thường được kèm với giá đỗ, rau muống bào, bắp chuối bào, rau quế, cùng với một loại nước mắm riêng tạo thêm sự hấp dẫn. Đặc biệt món đặc sản Sóc Trăng này phải dùng kèm hành tây được cắt mỏng ngâm chua mới có thể mang lại hương vị chuẩn nhất.

 

4. Hủ tiếu cà ri

Hủ tiếu cà ri là món ăn đặc sản của người dân Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Sợi hủ tiếu tại đây nhỏ, có độ dai vừa phải. Điểm độc đáo của món này nằm ở việc dùng vịt xiêm thay cho thịt heo hay thịt gà trong hủ tiếu truyền thống. Nước cà ri ở đây mang mùi thơm dịu, không quá nồng như một số nơi khác. Mọi gia vị được người chế biến nêm nếm vừa phải, tạo nên một hương vị đậm đà nhưng không gây ngán. Có lẽ sự sáng tạo và khéo léo trong chế biến chính là yếu tố tạo nên độ ngon cho món này.

<<<Xem thêm:Hướng dẫn nấu 7 món ăn sáng ngon như ngoài hàng

5. Cháo cá lóc rau đắng

Một món đặc sản Sóc Trăng tuy đơn giản nhưng rất nổi tiếng chính là cháo cá lóc rau đắng. Một tô cháo cá lóc truyền thống đầy đủ gồm có cá lóc, tương hột, nấm rơm, gừng, hành, mắm muối, và rau đắng. Bạn nên cho rau đắng, giá sống, thêm chút gừng non xắt nhỏ vào tô cháo rồi rắc ít tiêu và trộn đều. Húp vài muỗng cháo nóng hổi, thưởng thức cá lóc chấm nước mắm ớt thơm phức, dư vị nồng trên đầu lưỡi.

 

6. Bò nướng ngói

Bò nướng ngói (nướng xẻng) là một đặc sản Sóc Trăng độc đáo. Thịt bò được nướng trên miếng ngói làm bằng kim loại, giống cái xẻng trắng sáng. Để thưởng thức bò nướng ngói ngon, bạn phải đến Mỹ Xuyên. Thịt bò nướng trên ngói giữ nguyên hương vị tươi ngon, chín đều mà không bị cháy xém, thịt mềm, ngọt, không dai và không dính. Bò nướng sau đó được cuốn trong bánh tráng với rau sống, khế, chuối chát, dưa leo, khóm và bún. Khi chấm vào chén mắm và cắn một miếng, bạn sẽ không khỏi xuýt xoa vì hương vị ngon không cưỡng lại được.

 

7. Canh chua cá bông lau vùng sông Hậu

Từ lâu, các món chế biến từ cá bông lau – một trong những loài cá đặc sản vùng sông Hậu, đã tạo nên hương vị ẩm thực độc đáo tại các nhà hàng, quán ăn ở Sóc Trăng. Thịt cá bông lau trắng, thơm ngon, không tanh, lại lành nên đã trở thành nguyên liệu chính cho nhiều món ăn ngon. Một trong những món phổ biến là cá bông lau nấu canh chua, một món ăn ngon giúp giải nhiệt và cực bổ dưỡng, rất hay được nấu trong những ngày nắng nóng. Để thưởng thức cá bông lau tươi sống, bạn có thể ghé qua các quán ăn ở Đại Ngãi hoặc các huyện Cù Lao Dung, Trần Đề.

 

<<<Xem thêm:Tổng hợp các món ăn đặc sản của Cao Bằng

8. Cá bống sao

Cá bống sao – một món đặc sản của Cù Lao Dung, Sóc Trăng, mang những nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực Nam Bộ. Cá bống sao có đốm xanh, da li ti chấm trắng. Thịt cá bống sao màu đỏ, săn chắc rất ngon. Thường thì cá bống sao hay được nấu kho tiêu hoặc kho khô, địa phương thường gọi là “kho chồn.” Cá bống sao kho chồn ngon nhờ lá gan của nó lớn gần bằng bụng. Khi thưởng thức, mùi thơm từ gia vị sẽ hòa cùng vị ngọt của thịt cá cùng vị bùi, đắng của gan cá cùng vị cay của sả ớt, tạo nên một trải nghiệm ẩm thực đáng nhớ.

 

9. Bánh cống

Bánh cống là một loại bánh ăn vặt đặc sản Sóc Trăng do người Khmer làm ra. Đây là món ngon rất được người dân địa phương yêu thích. Món ăn này thường được chọn làm quà vì vị ngọt và vẻ ngoài hấp dẫn. Bánh cống được làm từ bột gạo, bột đậu nành và trứng, với nhân thịt lợn xay và đậu xanh. Khi ăn bạn sẽ nhận thấy được độ giòn của bánh, nhân béo ngậy bên trong cùng vị chua cay ngọt ngọt của nước chấm, tất cả tạo nên một món ăn hấp dẫn mà khó lòng cưỡng lại.

 

10. Bánh pía Sóc Trăng

Bánh pía thơm mùi sầu riêng đặc trưng, từng lớp bánh mỏng bao bọc lấy phần nhân đậu xanh ngọt, dẻo. Ngay khi cho miếng bánh pía vào miệng, bạn đã cảm nhận ngay được hương vị đặc biệt của sầu riêng, vị béo từ trứng muối kết hợp với vị ngọt của đậu xanh. Vỏ bánh pía là các lớp da mỏng xếp chồng lên nhau, có thể lột ra từng miếng, vì vậy còn được gọi là “bánh lột da.” Bánh pía có vỏ mềm, hình tròn, dẹp, nhỏ xinh, được bao bọc bởi các sắc vàng, đỏ, biểu tượng của may mắn và hạnh phúc. Bên cạnh vị sầu riêng, bánh pía còn có nhiều vị khác như khoai môn, hạt sen,…

<<<Xem thêm:Tổng hợp các món ăn đặc sản của Đăk Lăk

11. Mè láo

Đặc sản Sóc Trăng mè láo là một món ngon nổi tiếng thường xuất hiện trong những ngày Tết. Khách du lịch tại đây thường chọn mè láo làm quà tặng cho người thân. Món tráng miệng này được lấy cảm hứng từ bánh rán Trung Quốc. Bánh mè láo rất giòn và xốp, với lớp vừng phủ lên trên. Bánh khi ăn có vị ngọt dịu nhưng vì xốp và có mùi thơm của vừng nên không gây ngấy. Mon bánh này sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời cho những người hảo ngọt.

 

12. Mì sụa

Sóc Trăng nổi tiếng với nền ẩm thực đa dạng và hay khiến cho du khách bất ngờ trước những bữa ăn đặc sắc. Trong số này, không thể không nhắc đến món mì sụa độc đáo. Tên gọi này xuất phát từ việc sợi mì ở đây được làm từ đậu nành chứ không phải là trứng hoặc khoai tây như các loại mì khác. Do đó, hương vị của mì sụa rất độc đáo và dịu nhẹ, cũng rất có lợi cho sức khỏe. Mì sụa có hai loại: mì không mặn và mì mặn. Mì mặn thường được sử dụng trong các món xào với thịt hoặc hải sản, trong khi mì không mặn thường được dùng để làm món chè giải nhiệt vào mùa hè.

 

13. Bánh ống

Chỉ với những nguyên liệu đơn giản như bột gạo, cơm dừa, đường và lá dứa, người dân Khơ-me sáng tạo ra chiếc bánh ống xinh xắn, thơm phức mùi dừa và lá dứa. Món đặc sản Sóc Trăng này ngọt vừa phải, có độ dẻo mềm, vì vậy bạn có thể ăn chơi vào các buổi chợ sáng và các buổi xế chiều.

 

<<<Xem thêm:Tổng hợp đặc sản của Bạc Liêu

14. Bánh in

Bánh in có hình tròn màu trắng, thường được sử dụng chủ yếu vào các dịp rằm tháng 8 và trong Lễ hội Ooc – Om – Boc hàng năm tại Sóc Trăng, để cúng tạ Mặt Trăng đã ban sức mạnh cho con người và mùa màng tươi tốt. Bánh được làm từ các thành phần chính bao gồm gạo nếp, đường cát, và nước cốt dừa. Mùi thơm của gạo nếp mới, vị béo của nước cốt dừa hòa quyện với vị ngọt của đường, và khi thưởng thức bánh cùng với một ly trà nóng, đó chắc chắn là một trải nghiệm không còn gì tuyệt hơn.

 

15. Bánh gừng

Bánh gừng là loại bánh truyền thống của người Khmer Nam Bộ, thường được làm trong các dịp lễ tết truyền thống như Tết Chol-Chnam-Thmay, lễ Dolta, đám hỏi và đám cưới. Bánh được dâng trên bàn thờ tổ tiên, để tưởng nhớ ông bà xưa đã nuôi dưỡng thế hệ sau. Món đặc sản Sóc Trăng này được làm từ bột gạo nếp, trứng gà, bột năng, và nước chanh tươi, sau đó được nhào đều và tạo hình giống như củ gừng. Bánh sau khi chiên vàng sẽ được nhúng ngay vào chảo đường sền sệt thành lớp vỏ ngọt lịm. Bên trong bánh béo ngậy, thơm lừng.

 

16. Bánh dứa (bánh rây)

Bánh dứa là món ăn đặc sản truyền thống của người dân tộc Khmer Sóc Trăng. Bánh dứa mềm, dẻo nhưng cũng khá giòn với độ ngọt vừa phải. Hương thơm của lá dứa hòa cùng với vị ngọt béo của dừa, vị bùi của đậu phộng nên khi thưởng thức không hề bị ngán. Để thưởng thức hương vị tuyệt vời của bánh, bạn nên ăn bánh ngay khi còn nóng.

 

<<<Xem thêm:Tổng hợp các món ăn đặc sản của Bình Định

17. Khô trâu Thạnh Trị

Tại Sóc Trăng, ngoài cá thịt tươi sống, bà con còn chế biến ra nhiều món ngon vật lạ như khô cá, khô lươn, khô rắn, khô bò… và có cả khô trâu. Đặc biệt nếu bạn từng ghé thăm Thạnh Trị – Sóc Trăng thì nhất định phải ăn thử thịt trâu khô. Thịt trâu khô Thạnh Trị được chế biến theo phong cách cổ truyền, thịt trâu bắp được cắt thành những miếng mỏng lớn hơn bàn tay, sau đó được ướp gia vị như xả bằm, mối, tỏi, ớt,… khoảng nửa ngày để thấm gia vị. Sau đó, thịt được phơi nắng hoặc sấy trong lò. Thông thường, để chế biến 1 kg thịt khô, cần hơn hơn 4kg thịt tươi.

 

Blog Ẩm Thực hy vọng rằng bài viết trên đã mang lại cho các bạn nhiều thông tin hữu ích. Cảm ơn các bạn đã xem hết bài viết. Đừng quên đăng ký kênh Blog Ẩm Thực, nhấn chuông, like và share để khám phá thêm nhiều món ngon khác từ khắp mọi vùng miền của Việt Nam nhé!

<<<Xem thêm:Tổng hợp các món ăn đặc sản của Long An

Add comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *