7 Tháng Năm, 2024

Rằm tháng bảy 2023: Những việc nên làm và cách chuẩn bị mâm cúng

Trong đời sống tâm linh của người Việt, Rằm tháng 7 được coi là một trong những dịp lễ quan trọng. Vào ngày này, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng để tỏ lòng biết ơn đối với những bậc sinh thành, ông bà, tổ tiên và cầu cho chúng sanh sớm siêu thoát. Đồng thời, đây cũng là thời điểm mà con cháu xa quê hương trở về để sum họp với gia đình, báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và tìm về nguồn gốc yêu thương. Ngay sau đây, bạn hãy cùng Blog Ẩm Thực tìm hiểu kĩ hơn về ngày này cũng như hướng dẫn chuẩn bị mâm cúng lễ cúng rằm và những lưu ý qua bài viết dưới đây nhé!

1. Rằm tháng 7 là ngày gì?
2. Nguồn gốc Ngày rằm tháng 7
3. Cúng rằm tháng 7 giờ nào tốt?
4. Cúng lễ rằm tháng 7 Như Thế Nào?
5. Một Số Lưu Ý Khi Thực Hiện Nghi Thức Cúng Rằm Tháng 7
6. Ngày rằm tháng 7 2023 nên làm gì?
7. Ngày rằm tháng 7 2023 tránh làm gì?

<<<Xem thêm: Hướng dẫn CHI TIẾT chuẩn bị mâm CÚNG RẰM tháng 4

1. Rằm tháng 7 là ngày gì?

Tháng 7 âm lịch gắn liền với lễ cúng cô hồn một nghi lễ có nguồn gốc từ Trung Quốc và sau đó lan rộng tới nhiều quốc gia Châu Á. Mặc dù có điểm tương đồng, nhưng mỗi quốc gia lại mang những đặc trưng riêng theo văn hóa của từng dân tộc. Trong thời kỳ hậu Đông Hán, Đạo giáo đã đưa ra quan niệm về việc cúng “ngày Rằm tháng bảy”. Ngày này được gọi là tiết Trung Nguyên, bắt đầu từ ngày mồng 1 tháng 7 âm lịch (hay còn gọi là “mở cửa quỷ môn”) và kéo dài đến ngày 30 tháng 7 (hay còn gọi là “đóng cửa quỷ môn”). Ngày này còn được biết đến như là ngày “Xá tội vong nhân”, “cúng cô hồn” hoặc “cúng thí thực”. Nó cũng liên quan đến việc “mở cửa đóng cửa quỷ môn”, khi đó các linh hồn chết oan hoặc không có người thân thờ cúng sẽ được trở lại nhân thế để nhận lấy sự cúng tế và nhận những đồ thế chấp từ nhân gian cũng như tìm người thế mạng. Người trần gian muốn tránh các cô hồn phá rối hay làm hại tính mạng của mình nên vào ngày Rằm tháng 7 họ làm lễ bày các vật phẩm, đồ ăn thức uống và những loại vàng mã, hình nộm để cúng các cô hồn. Trước là cho cô hồn ăn uống, sau là cầu mong cô hồn đừng làm hại mình. Ở Việt Nam, ngày này còn được gọi là Lễ Vu Lan, lễ báo hiếu đối với các bậc sinh thành và người đã dưỡng dục.

2. Nguồn gốc Ngày rằm tháng 7

Nguồn gốc Lễ Vu Lan

Lễ Vu Lan báo hiếu có nguồn gốc từ truyền thuyết về Tôn giả Mục Kiền Liên, một đệ tử xuất chúng của đức Phật, người đã cứu mẹ mình thoát khỏi kiếp ngục quỷ. Khi Đại Đức Mục Kiền Liên đạt được tu thành chính quả, ông nhớ đến người mẹ đã hi sinh cho mình, và đã sử dụng phép thuật để tìm kiếm mẹ. Tuy nhiên, ông phải đối mặt với một kết quả đau lòng khi biết rằng mẹ ông đã bị đày vào kiếp quỷ, lang thang trong đau khổ và cực hình, phải trả giá cho những ác nghiệp đã gây ra trong quá khứ. Đại Đức Mục Kiền Liên đã cố gắng dùng phép để dâng cơm cho mẹ, nhưng mọi thứ đều biến thành lửa. Ông phải nhờ sự trợ giúp từ Phật Tổ để cứu mẹ. Phương pháp duy nhất để giải thoát cho mẹ là dựa vào sức mạnh hợp lực của các vị chư tăng bốn phương. Ngày 15 tháng 7 âm lịch được xem là ngày thích hợp để mời các vị chư tăng thực hiện lễ cúng cứu lấy phước cho mẹ. Đức Phật đã dặn thêm rằng “Chúng sinh ai muốn báo hiếu cha mẹ thì dùng cách này”. Khi Phật Giáo được lan truyền rộng rãi vào Việt Nam trong thời kỳ Lý, ngày lễ Vu Lan được vua Lý Nhân Tông chọn làm ngày lập đàn để cầu siêu cho cha mẹ (Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư). Từ đó, ngày lễ Vu Lan không chỉ dành riêng cho Phật tử, mà trở thành ngày dành cho bất kỳ ai mong muốn báo hiếu và tri ân cha mẹ.

<<<Xem thêm: Gợi ý những mâm cơm đãi khách dễ làm tại nhà

Nguồn gốc ngày Xá tội vong nhân

Theo “Phật Thuyết Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni Kinh”, lễ cúng cô hồn trong tháng 7 âm lịch có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Ðà và một con quỷ miệng lửa. Một buổi tối, khi A Nan đang ngồi yên tĩnh trong tịnh thất, ông thấy một con quỷ gầy đói, có cổ dài và miệng phun lửa đến gần. Quỷ nói rằng trong ba ngày tới, A Nan sẽ chết và hóa thành một ngạ quỷ miệng lửa, mặt cháy như nó. Lo sợ, A Nan đã nhờ quỷ chỉ cho cách tránh khỏi khổ đồ đó. Quỷ nói rằng: “Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được sanh về cõi trên”. A Nan đã thưa câu chuyện lên Đức Phật, người đã cho ông bài chú “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni”. A Nan đã tụng trong lễ cúng và nhận thêm được phúc thọ, đồng thời cũng giúp đỡ cho Diệm Khẩu Quỷ siêu thoát. Từ đó, lễ cúng cô hồn sau này đã được hiểu rộng với các ý nghĩa khác như tha tội cho tất cả những người đã khuất (xá tội vong nhân) hoặc cúng thí cho những linh hồn vô gia cư (cô hồn).

3. Cúng rằm tháng 7 giờ nào tốt?

Khi cúng rằm tháng 7, bạn cần lưu ý các khung giờ tốt, sắp xếp nghi lễ cúng thành tâm để bày tỏ lòng thành với Phật, tổ tiên:

• Cúng Phật: Cúng vào buổi sáng

• Cúng gia tiên: Cúng vào 10 – 11h

• Cúng cô hồn: Cùng từ 17h – 19h

<<<Xem thêm: Những mâm cơm ngon chưa tới 100k cho các gia đình

4. Cúng lễ rằm tháng 7 Như Thế Nào?

Theo quan niệm dân gian, ngày Rằm tháng 7 các gia đình cần chuẩn bị lễ cúng bao gồm: Lễ cúng Phật, lễ cúng gia tiên, lễ cúng cô hồn.

Mâm lễ cúng Phật

Theo quan niệm Phật giáo, Rằm tháng 7 là ngày lễ Vu Lan, là dịp con cháu tưởng nhớ công ơn của ông bà, cha mẹ. Do đó, các gia đình các Phật tử không thể bỏ qua lễ cúng Phật vào ngày này. Để cúng Phật vào ngày Rằm tháng 7, các gia đình cần chuẩn bị một mâm cúng đơn giản gồm cơm chay hoặc ngũ quả và nên cúng vào ban ngày. Trong mâm cúng Phật, có thể có những món chay như xôi trắng ruốc nấm hương hoặc xôi gấc, xôi đỗ xanh, xôi vò hạt sen, giò, chả chay, nem chay hoặc nem nấm, canh nấm hoặc canh rau củ, canh bóng chay, cải thìa sốt nấm, đậu hũ non sốt nấm… Sau khi cúng, gia đình thường thụ lộc từ mâm cúng Phật tại nhà.

Mâm cúng gia tiên

Trong lễ cúng gia tiên, mâm cúng thường được sắp xếp theo nguyên tắc “Trên chay dưới mặn”, tức là trên đặt hoa quả, dưới đặt các món mặn. Các món ăn trong mâm cúng cần đa dạng, tươi sạch để thể hiện lòng thành kính và biết ơn với tổ tiên. Mâm cúng mặn thường bao gồm xôi, gà luộc, canh, cơm, cá kho, món xào, món nộm… Kèm theo đó là trái cây, hoa cúng, nước, rượu, nhang, nến, vàng mã,…Khi cúng, nếu người cúng là trưởng tộc, thì cúng xôi gà và 9 bát xếp chồng lên nhau, cùng với 9 đôi đũa. Nếu không có gà, có thể cúng một miếng thịt hoặc khoanh giò.
Nếu là con trưởng, người cúng sẽ cúng một mâm cơm, tùy tâm và điều kiện, có thể cúng ít hay nhiều, nhưng không thể thiếu 7 cái bát xếp chồng lên nhau. Nếu không phải con trưởng, mâm cúng bao gồm nhiều món ăn và 5 cái bát tượng trưng cho ngũ đại đồng đường, được xếp chồng lên nhau. Chúng ta thường nhầm lẫn khi xếp 6 cái bát để các cụ ngồi thành một mâm, nhưng thực tế không phải như vậy. Số lượng bát phải phụ thuộc vào người cúng là con trưởng hay con thứ, tượng trưng cho các đời trong dòng tộc.

<<<Xem thêm: Lễ Vu Lan 2023: Ý Nghĩa, Cách Chuẩn Bị Mâm Cúng Và Lưu ý

Mâm cúng cô hồn, chúng sinh

Cúng ngoài trời, còn được gọi là cúng chúng sinh hay cúng cô hồn, nhằm bố thí cho những cô hồn thất thế, sa cơ lỡ vận, không có nơi nương tựa. Mâm cúng chúng sinh bao gồm muối gạo, cháo trắng nấu loãng, hoa quả, bỏng ngô, bánh, kẹo, tiền trần, chung nước, nhang và nến. Sau khi cúng xong, các vật phẩm cúng không được đem vào nhà, cũng không được chia lộc cho trẻ em, hàng xóm hay người thân trong gia đình để tránh chúng sinh đòi lại. Đồ cúng cô hồn còn lại được thả xuống sông hoặc ao gần đó để bố thí cho chúng sinh ở dưới nước. Lưu ý là cúng cô hồn nên cúng chay để tránh khơi dậy tham, sân, si của các vong hồn.

5. Một Số Lưu Ý Khi Thực Hiện Nghi Thức Cúng Rằm Tháng 7

• Khi thực hiện lễ cúng trong Rằm tháng 7, gia chủ cần giữ cho cơ thể sạch sẽ khoảng 2 ngày trước ngày cúng, tránh sử dụng các thực phẩm có mùi để tránh làm ô uế cho bản thân.

• Lễ cúng nên được tiến hành theo trình tự, bắt đầu bằng lễ cúng Phật, sau đó là lễ cúng thần linh và cuối cùng là lễ cúng gia tiên và chúng sinh cô hồn.

• Lễ cúng cô hồn không nên diễn ra trong nhà, mà nên được thực hiện ở ngoài sân, ngõ hoặc trước cửa nhà.

• Vị trí của mâm cúng cũng cần được xác định theo đúng thứ tự. Mâm cúng Phật nên được đặt ở vị trí cao nhất, tiếp theo là mâm cúng thần linh, và cuối cùng là mâm cúng gia tiên.

• Trong ngày Rằm tháng 7, khi có nhiều vong hồn vất vưởng, việc ghi rõ người nhận quần áo vàng mã dành cho gia tiên trong lễ cúng là rất quan trọng.

<<<Xem thêm: Hướng dẫn làm mâm cúng rằm tháng 7 chuẩn nhất

6. Ngày rằm tháng 7 2023 nên làm gì?

Viếng thăm, chăm sóc mộ phần tổ tiên

Dành thời gian viếng thăm và chăm sóc mộ ông bà và tổ tiên để thể hiện lòng tưởng nhớ và kính trọng. Bên cạnh đó cũng để cầu nguyện cho gia đình có cuộc sống an lành và hạnh phúc.

Làm việc thiện nguyện

Giúp đỡ những người khó khăn để mang lại niềm vui và giữ tâm trí sáng sủa. Đồng thời nhìn lại những gì mình đã có và cảm nhận ý nghĩa của việc chia sẻ trong cuộc sống.

Phóng sinh

Thực hiện hành động phóng sinh trong ngày Rằm tháng 7, mang lại nhiều lợi ích như cải thiện sức khỏe, giảm bệnh tật, ổn định cuộc sống và kéo dài tuổi thọ. Phúc đức từ việc phóng sinh không chỉ lan tỏa đến bản thân mà còn lan rộng đến gia đình, tổ tiên và dòng họ.

7. Ngày rằm tháng 7 2023 tránh làm gì?

Không sát sinh

Tránh giết chóc hoặc làm tổn thương các sinh vật. Thay vào đó, hãy ăn chay, phóng sinh và thực hiện các hành vi thiện để tích đức cho gia đình.

Không khai trương cửa hàng, tổ chức cưới hỏi

Vì tháng 7 là tháng cô hồn, được coi là không may mắn, nên nên tránh khai trương cửa hàng hoặc tổ chức cưới hỏi trong thời gian này.

Tránh làm những việc xấu

Hạn chế việc tham gia vào các hành vi xấu như gây gỗ, cãi nhau và thay vào đó, tập trung vào việc làm những điều tốt, giúp đỡ người khác và cầu nguyện thành tâm để mang lại may mắn và sự an lành cho gia đình.

Trên đây là những kiến thức và lưu ý quan trọng khi chuẩn bị mâm cúng trong ngày Rằm âm lịch. Hy vọng rằng bài viết này sẽ mang đến những thông tin hữu ích cho bạn. Đừng quên theo dõi Blog Ẩm Thực để khám phá thêm những thông tin hữu ích khác nhé!

<<<Xem thêm: Hướng dẫn làm mâm cúng rằm tháng 8 chuẩn nhất

Add comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *