20 Tháng Tư, 2024

Hướng dẫn CHI TIẾT chuẩn bị mâm CÚNG RẰM tháng 4

 

Rằm tháng 4 là một ngày có ý nghĩa đặc biệt đối với phật tử khắp nơi trên thế giới, nên cứ gần đến ngày này các bạn sẽ thấy có rất nhiều hoạt động diễn ra. Và đúng vào ngày rằm tháng 4 nhiều gia đình thực hiện lễ cúng, cầu nguyện lòng thành tâm của mình. Vậy rằm tháng 4 là ngày gì mà lại đặc biệt đến vậy? Nguồn gốc, ý nghĩa của rằm tháng 4 cũng như cách chuẩn bị mâm cúng rằm tháng 4 ra sao mới đúng? Hãy cùng Blog Ẩm Thực khám phá và tìm hiểu những vấn đề này trong video này nha.

Xem xong video này các bạn sẽ biết được

– Ngày rằm tháng 4 là ngày gì?

– Ý nghĩa của ngày rằm tháng 4

– Các hoạt động trong ngày rằm tháng 4 ở Việt Nam và các nước trên thế giới

– Những lưu ý cũng như sự khác biệt của ngày tháng 4

– Cách chuẩn bị mâm cúng rằm tháng 4 chuẩn nhất

– Một số bài văn khấn ngày rằm tháng 4

Ngày Rằm tháng 4 là gì?

Ngày rằm tháng 4 hay còn được gọi là lễ Phật Đản. Theo đạo Phật, lễ Phật Đản chính là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chào đời tại vườn

Lâm Tỳ Ni, tiếng Phạn là Vaisakha, tiếng Pali gọi là Vesak. Đây là một trong 3 ngày lễ lớn nhất của đạo Phật trong năm bên cạnh lễ Vu Lan và lễ Thành đạo.

Ngày lễ Phật Đản(có tên gọi là Vesak) đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là một ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới.

Trước năm 1959, các nước Đông Á thường lấy ngày 8/4 Âm lịch để làm lễ Phật Đản. Tuy nhiên, tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên tại Colombo (được tổ chức từ ngày 25/5 đến 8/6/1950) thì 26 nước thành viên, khi đó đã thống nhất chọn ngày rằm tháng Tư Âm lịch hằng năm làm ngày lễ Phật Đản quốc tế.

Ngày 15/04/2023 âm lịch năm nay rơi vào ngày 02/06/2023 dương lịch, do năm nay là năm nhuận có 2 tháng hai.

Ý nghĩa của ngày rằm tháng 4

Khác với những ngày rằm thông thường, rằm tháng 4 (15 tháng 4 âm lịch) là một ngày lễ quan trọng trong tín ngưỡng Phật giáo, để tưởng nhớ ngày đản sinh của Đức Phật cũng như để tôn vinh giá trị đạo lý, tư tưởng nơi cõi Phật.

Các hoạt động trong Lễ Phật Đản ở các nước trên thế giới

– Tại Ấn Độ – ngày lễ Phật Đản được gọi với cái tên là Buddha Purnima. Tại đây, Lễ Phật Đản được tổ chức gần giống như một lễ hội truyền thống ở địa phương các bạn ah. Theo truyền thống, khi đến ngày lễ Vesak, Phật tử Ấn Độ sẽ khoác lên mình những bộ y phục màu trắng, sau đó đến các ngôi chùa và tu viện để nghe kinh sutras và cháo ngọt kheer. Cháo ngọt kheer mang ý nghĩa gợi nhắc về câu chuyện của nàng Sujata – một cô gái trẻ đã dâng một bát cháo sữa cho Đức Phật trước khi Ngài thành đạo.

– Còn tại Hong Kong và Đài Loan, Lễ Phật Đản thường được tổ chức khá long trọng tại chùa, tu viện, học viện Phật giáo với các nghi thức như thắp đèn, cúng dường và tắm Phật.

– Đặc trưng nổi bật của Lễ Phật Đản tại Hàn Quốc có thể kể đến lễ hội đèn lồng hoa sen (연등회, Yeon Deung Hoe) với ý nghĩa là thức sáng thế giới, cống hiến và hy sinh để thông báo chân lý cho thế giới.

– Và tại Indonesia phật tử tham dự ngày Lễ Phật Đản với nhiều nghi thức long trọng như diễu hành, nghi thức thả đèn trời,…

– Tại Thái Lan Đại lễ Phật đản là một ngày lễ chính thức và thường được gọi với tên khác là Visakah Puja. Vào ngày này, người dân sẽ tập trung tại các ngôi chùa để lắng nghe các nhà sư thuyết pháp, tụng kinh, quyên góp, dâng thức ăn, hoa và nến.

– Còn Sri Lanka ấn định Phật giáo là quốc giáo, ngày Lễ Phật Đản trở thành ngày nghỉ lễ chính thức của người dân. Tại đây, người ta tổ chức lễ hội Vasak với đa dạng hoạt động, bao gồm những buổi lễ tụng kinh, cầu nguyện, và cả các chương trình dân gian truyền thống.

– Việt Nam chúng ta thì sao? Lễ Phật Đản thường sẽ được tổ chức với nhiều nghi thức trang trọng như rước đèn hoa và diễu hành trên đường phố.

Các Phật tử thường vinh danh Tam bảo gồm Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng) và thực hiện việc ăn chay và giữ Ngũ giới, Tứ vô lượng tâm (từ bi hỷ xả), thực hành bố thí và làm việc từ thiện.

Những điều cần chú ý trong ngày rằm tháng 4

Vào ngày lễ Phật Đản, Ngày Phật Đản, các Phật tử tuyệt đối không sát sinh Ngoài ra, nhiều người còn thả chim, thả cá phóng sinh tạo niềm vui cho muôn loài.

Nên lau dọn vệ sinh nhà cửa và trang trí bàn thờ Phật thật đẹp.

Các Phật tử có thể đến chùa để nghe các bài thuyết giảng về Phật pháp, phụ giúp làm công quả. Sau đó tự chiêm nghiệm về hành động của chính bản thân để giúp cho tâm hồn được thanh tịnh.

Ở các chùa, Phật tử thường dựng lên lễ đài lớn, trang trí các xe hoa. Nhưng đều được thực hiện sao cho không phung phí, kém nhiều. Tất cả được thể hiện bằng chính tấm lòng thành vốn là đạo lý nhà Phật.

Bên cạnh việc đến chùa làm công quả, thì nhiều gia đình cũng có thể tự tổ chức cúng rằm tháng 4 ngay tại nhà để tôn vinh và cảm tạ công ơn của Đức Phật. Tuy nhiên, việc chuẩn bị lễ cúng rằm tháng 4 của các gia đình Phật tử sẽ có nhiều khác biệt so với những lễ cúng thông thường.

Cách chuẩn bị mâm cúng rằm tháng 4

Vào ngày rằm tháng 4, đối với các gia đình không theo đạo Phật thì thường chỉ tiến hành cúng lễ hương, hoa, bánh trái như các ngày rằm khác. Nhưng đối với các gia đình theo đạo Phật thì đây là một dịp rất đặc biệt để Phật tử bày tỏ sự thành kính đến với Đức Phật. Thông thường vào những ngày này, gia đình Phật tử sẽ tiến hành lau dọn vệ sinh nhà cửa và không gian thờ cúng của gia đình, trang trí bàn thờ Phật thật đẹp, treo cờ Phật và làm mâm cúng Phật cũng như dâng lên ông bà tổ tiên sao cho tâm linh. Dưới đây là cách chuẩn bị mâm cúng rằm tháng 4 thông thường mà bạn có thể tham khảo ngay sau đây:

Hoa: Bạn nên lựa chọn những bông hoa cúc hoặc hoa hồng để cúng.

Hương: Bạn chuẩn bị 3 nén nhang.

Trầu cau: Bạn rửa sạch trầu cau để ráo nước hoặc lấy khăn giấy sạch lau khô.

Ly hoặc chén nước sạch: Bạn cần rửa sạch, lau khô rồi rót một ly hoặc chén nước sạch.

Mâm hoa quả: Tùy vào điều kiện của mỗi gia đình mà bạn có thể chọn loại quả. Tuy nhiên, mâm ngũ quả nên đáp ứng đủ tiêu chuẩn về màu sắc như: xanh, đỏ, vàng, tím… để đại diện cho ngũ hành, cũng như dâng cúng tổ tiên nhằm giúp thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong mang đến những điều tốt lành nhất đến với gia đình của mình.

Mâm chay cúng rằm tháng 4 gồm 7 món như sau:

– Món khai vị: Chả giò bắp

– Món kho: Đậu hủ kho tiêu

– Món chính 1: Cà ri chay,

– Món xào: Rau xào thập cẩm

– Món canh: Canh cải chua

– Món kèm món kho: Cơm trắng

– Món tráng miệng: Rau câu dừa

Văn khấn cúng lễ Phật Đản rằm tháng 4

Sau khi đã chuẩn bị xong các lễ vật cúng lễ Phật Đản, bạn hãy thực hiện nghi thức và đọc bài văn khấn đầy đủ nhất cúng rằm tháng 4 sau đây nhé.

Văn khấn ngày rằm cúng Thổ Công và các vị Thần

Nam mô A Di Đà Phật !

Nam mô A Di Đà Phật !

Nam mô A Di Đà Phật ! (3 lạy)

– Con lạy chín phương Trời, mười Phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

– Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

– Con kính lạy ngài Đông Thần Quân

– Con kính lạy ngài Bản gia thổ địa Long Mạch

– Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức Tôn thần

– Con kính lạy ngài tiền hậu địa chủ tài thần

– Con kính lạy các Tôn thần cai quản trong khu vực này.

Tín chủ (chúng) con là:…… Ngụ tại: ………

Hôm nay là ngày … tháng … năm … tín chủ con thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật, kim ngân trà quả đốt nén hương thơm dâng lên trước án. Chúng con thành tâm kính mời: Ngài Kim Niên đương cai Thái Tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, ngài Bản gia Thổ Địa. Long Mạch Tôn thần, các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Phúc đức chính thần, các vị Tôn thần cai quản trong khu vực này. Cúi xin các Ngài nghe thấu lời mời thương xót thương tín chủ giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con toàn gia an lạc công việc hanh thông. Người người được bình an, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần kèm 3 lạy).

Văn khấn cúng gia tiên:

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần kèm 3 lạy)

– Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

– Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

– Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo Quân cùng chư vị Tôn Thần.

– Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển Tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ Khảo, Tổ Tỷ)

Tín chủ (chúng) con là:…… Ngụ tại:……

Hôm nay là ngày ….. gặp tiết ….. (ngày rằm, mồng một), tín chủ con nhờ ơn đức trời đất, chư vị Tôn thần, cù lao Tiên Tổ, thành tâm sắm lễ, hương, hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án.

Chúng con kính mời: Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ…, cúi xin thương xót con cháu linh thiêng hiện về, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ tại nhà này, đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, phù hộ cho gia chúng con luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, làm ăn phát tài, gia đình hòa thuận.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần kèm 3 lạy).

 

Trên đây là hướng dẫn chuẩn bị mâm cúng rằm tháng 4. Hy vọng qua bài viết này đã giúp bạn thêm trong việc chuẩn bị tốt cho lễ rằm tháng 4 một cách hợp lý nhất nhé.

Add comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *