29 Tháng Tư, 2024

Giò thừa biến tấu thành món gì cho ngon?

Mâm cỗ Tết truyền thống với những món ăn quen thuộc như bánh chưng, giò, thịt gà,… khiến nhiều gia đình ăn mãi không hết, gây thừa thãi, lãng phí. So với bánh chưng, giò lụa dễ chế biến hơn và cũng có thể chế biến thành nhiều món ăn giải ngấy, lạ miệng lại đầy đủ dinh dưỡng. Ngay sau đây hãy cùng Blog Ẩm Thực điểm qua những món ăn được chế biến từ giò thừa nhé!

1. Cơm rang thập cẩm
2. Giò lụa kho tiêu
3. Giò lụa cuốn rau củ
4. Gỏi giò lụa
5. Chả lụa xào miến
6. Giò chả kho trứng
7. Giò lụa kho xì dầu

1. Cơm rang thập cẩm

Nguyên liệu:

• Cơm nguội
• Giò lụa
• Thịt thăn lợn (hoặc thịt gà, lạp xưởng, xúc xích)
• Trứng gà
• Cà rốt
• Hành tây
• Cải chíp (hoặc cải ngọt, đậu Hà Lan, đậu cô ve)
• Hành củ
• Nước tương, mắm, gia vị, hạt nêm.

Cách làm:

• Đập trứng trong một bát rồi đánh tan và trộn đều với cơm nguội.
• Cho cơm vào hộp và để trong tủ lạnh mát khoảng vài tiếng để cơm khô hơn.
• Giò lụa thái hạt lựu.
• Rửa sạch thịt thăn lợn và băm nhỏ.
• Cà rốt và hành tây sau khi gọt vỏ và rửa sạch thì thái hạt lựu.
• Rau cải chíp ngâm và rửa sạch, phần cọng xanh nhạt thái hạt lựu, phần lá xanh đậm thái nhỏ.
• Phi thơm hành với một ít dầu ăn, sau đó cho thịt băm vào xào qua với một ít mắm.
• Xúc một phần thịt đã xào ra nồi khác để riêng. Sau đó, thêm hành tây và đảo qua.
• Tiếp theo, thêm phần rau cải chíp thái hạt lựu vào, đảo qua rồi thêm cà rốt.
• Xào lửa to cho đến khi cà rốt và rau chín, sau đó nêm thêm hạt nêm và gia vị cho vừa miệng và tắt bếp.
• Phi thơm hành với một ít dầu ăn, sau đó cho cơm vào, thêm một thìa nước tương, và đảo đều cho hạt cơm tơi. Khi thấy hạt cơm săn lại, thêm giò lụa vào.
• Cho các nguyên liệu đã được xào chín trước vào, nêm thêm 1 ít mắm, hạt nêm cho vừa miệng. Đảo cho các nguyên liệu trộn đều vào nhau rồi tắt bếp.
• Trong lúc rang cơm, phần thịt được xúc ra 1 nồi riêng thì thêm lượng nước đủ ăn vào.
• Đun sôi thì thả phần lá rau thái nhỏ vào, đun sôi khoảng 1 phút, nêm gia vị và hạt nêm cho vừa miệng rồi tắt bếp.
• Múc rau ra tô làm món canh ăn kèm cùng món cơm rang thập cẩm.

<<<<Xem thêm: 16 món ăn nguy hiểm nhất thế giới

2. Giò lụa kho tiêu

Nguyên liệu:

• Giò lụa
• Hành tím, tỏi băm, hành lá
• Nước mắm, nước tương, đường, nước màu dừa
• Tiêu xay, ớt băm

Cách làm:

• Giò cắt miếng vừa ăn.
• Chiên sơ giò vàng đều các mặt.
• Chiên xong thì cho giò ra giấy thấm bớt dầu
• Ướp giò lụa trong 15 phút với hành tím băm, tỏi băm, 1 muỗng canh nước tương, ½ muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cà phê đường, ½ muỗng cà phê nước màu dừa và 1 chén nước.
• Sau đó, bắc chảo lên bếp, đun sôi nước trong nồi, sau đó giảm lửa nhỏ và kho giò cho đến khi giò săn lại và nước kho cạn.
• Thêm hành lá cắt nhỏ, ớt băm và tiêu xay lên giò, sau đó ăn kèm với cơm nóng.

<<<<Xem thêm: Bánh chưng thừa làm món gì không ngán?

3. Giò lụa cuốn rau củ

Nguyên liệu:

• Thịt heo luộc chín
• 1/2 quả dứa
• 1/2 củ cà rốt (nếu có chuối xanh, khế càng tốt)
• Bánh tráng
• Rau sống các loại rửa sạch
• Nước chấm chua ngọt

Cách làm:

• Giò lụa thái thành miếng dài, nhỏ và mỏng.
• Thịt heo luộc chín rồi thái thành miếng dài nhỏ.
• Cà rốt bào vỏ, sau đó rửa sạch và thái sợi.
• Dứa cũng thái miếng dài và nhỏ.
• Xếp tất cả các nguyên liệu trên đĩa.
• Khi ăn, gói các nguyên liệu lần lượt vào bánh tráng rồi cuộn lại, chấm với nước mắm chua ngọt rồi thưởng thức. Hoặc, bạn cũng có thể thay thế bánh tráng bằng một lớp vỏ trứng bên ngoài.

<<<<Xem thêm: Hướng dẫn cách làm 9 món rau củ chiên giòn

4. Gỏi giò lụa

Nguyên liệu:

• Rau tiến vua
• Ngó sen
• Giò lụa
• Cà rốt
• Hành tím
• Ớt sừng
• Chanh
• Gia vị

Cách làm:

• Ngó sen cắt khúc vừa ăn và ngâm trong giấm.
• Rau tiến vua và cà rốt thái sợi, hành tím xắt lát mỏng.
• Giò lụa thái sợi vừa ăn, ớt sừng thái sợi nhỏ.
• Pha nước trộn cho gỏi: Pha 1.5 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh tương ớt, 2 muỗng canh đường và 2 muỗng canh nước cốt chanh vào một chén. Khuấy đều để gia vị hòa quyện vào nhau.
• Cho tất cả các nguyên liệu vào một tô và từ từ đổ nước trộn gỏi vào, để cho nguyên liệu thấm đều gia vị trong khoảng 10 phút.
• Để ngon hơn, bạn có thể ăn kèm với bánh phồng tôm chiên.

<<<<Xem thêm: Bưởi Diễn là bưởi gì? Cách chọn mua bưởi diễn ngon và mọng nước

5. Chả lụa xào miến

Nguyên liệu:

• Miến
• Giò lụa
• tôm khô
• Cà rốt
• Nấm hương
• Hành tím + tỏi băm
• Hành lá, ngò rí, cần tây
• Gia vị

Cách làm:

• Miến cắt thành khúc dài và ngâm trong nước khoảng 15 phút cho nở mềm.
• Nấm ngâm nước rồi cắt thành miếng nhỏ
• Cà rốt thái thành sợi.
• Các loại rau sau khi được rửa sạch thì cắt khúc.
• Giò lụa thái miếng dài, tôm khô ngâm nước ấm cho mềm
• Bắt chảo lên bếp, thêm dầu ăn và đun nóng.
• Sau đó, cho cà rốt và nấm hương vào xào chung với 1 muỗng cà phê muối và hạt nêm.
• Đảo đều để thấm gia vị trong vài phút, sau đó thêm miến, giò lụa và tôm khô vào xào.
• Nêm nếm gia vị cho vừa miệng, sau đó thêm hành lá, cần tây và ngò rí vào trước khi tắt bếp.
• Cho miến xào ra đĩa và ăn kèm với nước tương ớt sẽ rất ngon.

<<<<Xem thêm: Gợi ý những món ăn trong đám giỗ Miền Nam

6. Giò chả kho trứng

Nguyên liệu:

• Giò lụa hoặc chả
• Trứng gà
• Nước dừa tươi
• Nước mắm
• Hành tím
• Đường, hạt nêm

Cách làm:

• Cắt giò thành các khối hình vuông, hình chữ nhật hoặc tam giác nhỏ vừa ăn.
• Ướp giò với một ít đường, tiêu, hạt nêm và hành tím băm nhỏ.
• Trứng gà luộc chín rồi bóc vỏ.
• Nước dừa tươi được đổ vào nồi, có thể thêm một chút nước lọc và đun sôi.
• Thêm một thìa nước mắm vào
• Nước dừa đun sôi sẽ giúp món kho không bị chua.
• Sau đó, đổ nước dừa đun sôi vào nồi giò đã ướp.
• Thêm trứng gà đã bóc vỏ vào.
• Kho ở lửa nhỏ cho đến khi nước cạn, sau đó nêm lại gia vị cho vừa vị.
• Ngoài trứng gà, bạn cũng có thể kho cùng trứng cút cũng được.

<<<<Xem thêm: Hướng dẫn nấu món ngon từ bánh phở

7. Giò lụa kho xì dầu

Nguyên liệu:

• Giò lụa
• Củ hành khô
• Tỏi
• Nước màu, xì dầu, nước mắm, đường

Cách làm:

• Thái giò thành miếng vừa ăn
• Hành khô thái lát, tỏi bóc vỏ.
• Rán giò vàng đều hai mặt. (Bước này sẽ giúp loại bỏ một phần mùi ôi từ giò, do để trong tủ lạnh trong thời gian dài)
• Trộn giò với nước mắm, xì dầu, đường, nước màu, hành khô và tỏi
• Đổ một bát nước con vào nồi và đun sôi, sau đó cho giò vào nồi kho đến khi nước cạn và hơi sánh lại.
• Khi giò kho còn nóng, rắc thêm một chút hạt tiêu lên trên cho thơm.

Với những gợi ý trên, hy vọng chị em sẽ không khó khăn trong việc giải quyết giò thừa sau ngày Tết. Cảm ơn các bạn đã xem hết bài viết. Đừng quên đăng ký, nhấn chuông, like và share để nhận thêm nhiều món ăn ngon từ kênh Blog Ẩm Thực nhé!

<<<<Xem thêm: 10 Quán bánh cuốn nổi tiếng nhất Hà Nội

Add comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *