2 Tháng Năm, 2024

Phong tục Tết: Những lễ cúng Tết quan trọng nhất gia đình nào cũng phải làm

Tết Nguyên Đán là dịp lễ được mong chờ nhất trong năm. Đây không chỉ là thời gian để mỗi chúng ta nghỉ ngơi, sum họp gia đình, mà còn là dịp quan trọng để hướng tâm về nguồn cội, ông bà, tổ tiên, các vị thần linh đã ban những phúc lành cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vậy bạn có biết trong dịp Tết Nguyên Đán có bao nhiêu ngày cúng quan trọng không? Trong bài viết này, Blog Ẩm Thực sẽ chia sẻ đến bạn những lễ cúng Tết quan trọng nhất mà gia đình nào cũng phải làm. Bạn hãy cùng theo dõi nhé!

1. Các lễ cúng ngày Tết quan trọng cần nhớ

1.1 Lễ cúng Ông Công, Ông Táo

Lễ cúng Ông Công và Ông Táo là một trong những nghi lễ truyền thống của người Việt Nam, thường diễn ra từ 23 đến 30 tháng Chạp âm lịch hàng năm, để tiễn đưa ông Công và ông Táo trở về Thiên Đình báo cáo với Ngọc Hoàng. Theo tín ngưỡng dân gian, ông Công và ông Táo là hai vị thần cai quản và giám sát tài sản của gia đình. Sau một năm hỗ trợ và giám sát, hai ông sẽ trở về thiên đình để thông báo với Ngọc Hoàng về mọi sự tốt xấu của gia đình và sẽ ra quyết định khen thưởng hay xử phạt. Do đó, trong lễ cúng ông Công và ông Táo, gia chủ thường sẽ cầu khấn và mong đem lại may mắn cho gia đình. Trong lễ cúng này, ngoài bàn thờ, mâm đồ cúng thì người Việt còn thường cúng kèm theo một con cá chép, cá chép này sau khi cúng xong sẽ được phóng sanh.

<<<Xem thêm: Tết 2024 Mâm cúng mùng 1 tết 2024 cần có những gì?

1.2 Cúng Tất niên

Cúng tất niên là một trong những lễ cúng Tết quan trọng mà gia đình nào cũng phải làm. Cúng tất niên thường diễn ra từ ngày 16 đến ngày 30 của tháng Chạp âm lịch, trước khi bước vào đêm giao thừa. Lễ cúng này mang đến ý nghĩa tiễn đưa mọi điều không tốt trong năm cũ và chào đón những điều may mắn trong năm mới. Trong lễ cúng, người ta thường chuẩn bị một mâm cúng được bày trí công phu với các đồ vật như bánh chưng, bánh Tét, nhang, trà, rượu, đèn, muối gạo, bánh mứt, xôi chè và các món mặn. Tiếp theo là thắp nhang cầu khấn với tổ tiên, thần linh và những người khuất mong cầu sức khỏe, bình an và phúc lộc cho gia đình trong năm mới.

1.3 Cúng Giao Thừa

Cúng Giao Thừa là một trong những nghi lễ truyền thống của người Việt Nam. Thường được tổ chức vào đêm giao thừa, để chào đón năm mới, cầu mong cho gia đình có một năm mới an lành, phát tài phát lộc, công danh. Trong buổi lễ, gia chủ chuẩn bị một bàn thờ với nhiều loại hoa, trái cây, cũng như các bánh truyền thống như bánh chưng, bánh tét, mứt, kẹo, cùng với nhang, rượu, nước lọc, muối, và trà. Sau khi hoàn thành nghi lễ cúng Giao Thừa, mọi thành viên trong gia đình sẽ tụ tập lại, đón năm mới và chia sẻ với nhau về những khó khăn và thành công trong năm vừa qua.

<<<Xem thêm:Tết Đoan Ngọ là ngày nào? Ý nghĩa? Cách chuẩn bị mâm cúng

1.4 Cúng Tân Niên

Trong các lễ cúng Tết quan trọng mà gia đình nào cũng phải làm, nếu cúng tất niên là để tiễn biệt năm cũ, thì lễ cúng tân niên mang ý nghĩa chào đón năm mới và hy vọng cho gia đình một năm mới an khang, thịnh vượng, công danh đạt đỉnh, và phát tài phát lộc. Do đó, lễ cúng thường được tổ chức vào đầu năm mới, cụ thể là buổi sáng mùng 1 Tết. Bên cạnh mâm cúng, gia chủ cũng cần chuẩn bị đồ cúng theo nghi lễ truyền thống. Sau khi hoàn thành lễ cúng, gia đình sẽ tụ tập lại bàn ăn để thưởng thức bữa cơm Tân Niên và cùng nhau chia sẻ niềm vui trong năm mới.

1.5 Cúng Chiêu Điện và Tịch Điện

Cúng Chiêu Điện và Tịch Điện là hai lễ cúng được thực hiện cùng một ngày – mùng 2 Tết. Trong đó, lễ cúng Chiêu Điện diễn ra vào buổi sáng mùng 2, với ý nghĩa mời ông bà và tổ tiên về dùng bữa cơm cùng gia đình. Ngược lại, lễ cúng Tịch Điện mang ý nghĩa mời ông bà và tổ tiên đi nghỉ ngơi và thường được tiến hành vào buổi chiều mùng 2. Tùy thuộc vào phong tục của mỗi gia đình, mâm cơm có thể được chuẩn bị với các món ăn mặn hoặc chay. Tóm lại, mâm cỗ thường bao gồm những món cơ bản của ngày Tết như bánh chưng, thịt heo, thịt gà, bánh Tét, dưa hành và cơm trắng.

<<<Xem thêm:Tết Hàn Thực: Chuẩn bị mâm cúng sao cho chuẩn?

1.6 Lễ Cúng Hóa Vàng

Lễ cúng hóa vàng, hay còn được gọi là lễ đưa ông bà, sau khi đã đón ông bà về ăn Tết cùng gia đình vào ngày 30 tháng chạp âm lịch. Đây là một trong những lễ cúng quan trọng mà gia đình nào cũng phải làm, nhằm thể hiện lòng hiếu kính và tri ân đối với tổ tiên. Thông thường, lễ cúng hóa vàng sẽ diễn ra vào ngày mùng 3 tháng Giêng, kèm theo đốt vàng mã, hóa vàng để tiễn đưa ông bà và tổ tiên, những người đã khuất, về lại cõi âm. Bên cạnh đốt vàng mã, mâm cơm cúng cũng là một phần không thể thiếu. Mâm cơm này có thể được chuẩn bị tùy theo phong tục của mỗi gia đình, có thể là mâm ăn mặn hoặc chay.

1.7 Lễ cúng Thần tài, Thổ địa

Trong tín ngưỡng của nhân dân ta, Thần Tài và Thổ Địa là hai vị thần quản lý tài lộc, đất đai và sự thịnh vượng của gia đình. Vì vậy, trong các nghi lễ cúng ngày Tết, lễ cúng Thần Tài và Thổ Địa mang ý nghĩa cầu mong về tài lộc, thành công và may mắn trong năm mới. Thời điểm thích hợp nhất để tổ chức lễ cúng Thần Tài và Thổ Địa là diễn ra từ 7 đến 9 giờ sáng ngày mùng 10 tháng Giêng. Đây là thời gian đẹp nhất trong ngày, được cho là có thể mang lại may mắn và tài lộc cho gia chủ. Ngoài ra, khi thực hiện lễ cúng Thần Tài và Thổ Địa, bạn phải dọn dẹp và chuẩn bị mâm cỗ, trái cây, cùng lễ vật thật đầy đủ nhé!

<<<Xem thêm:Những món nem rán lạ miệng cho ngày Tết nguyên đán

2. Những phong tục quan trọng trong ngày Tết cổ truyền

2.1 Đi thăm mộ tổ tiên

Từ ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp hàng năm, con cháu trong gia đình thường sẽ đi thăm và quét dọn mộ tổ tiên. Họ thường mang theo hương, hoa quả để cúng và mời vong linh tổ tiên về nhà ăn Tết cùng con cháu. Đây là một phong tục phổ biến của người Việt, thể hiện lòng hiếu đạo và sự thành kính đối với đấng sinh thành cũng như những người đã khuất. Phong tục này cũng chính là truyền thống uống nước nhớ nguồn, đạo lý của dân tộc Việt Nam.

2.2 Gói bánh chưng, bánh tét

Bánh chưng và bánh tét là một phần không thể thiếu trong nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Hàng năm, từ ngày 27 đến ngày 29 Tết, mọi gia đình sẽ lại quây quần bên nhau để gói những chiếc bánh chưng và bánh tét. Ở miền Nam, bánh tét thường có hình trụ, trong khi ở miền Bắc, bánh chưng thì hình vuông. Mặc dù hình dạng có sự khác biệt, nhưng nguyên liệu làm hoàn toàn giống nhau. Bánh chưng và bánh tét còn là biểu trưng cho nền văn hóa lúa nước lâu đời của dân tộc ta.

2.3 Làm lễ cúng tổ tiên

Theo phong tục của người Việt, mỗi gia đình đều có một bàn thờ tổ tiên với cách trang trí và sắp đặt khác nhau. Vào cuối năm, mọi gia đình sẽ tiến hành lau dọn bàn thờ để chuẩn bị cho ngày Tết. Vào chiều ngày 30 tháng Chạp, mâm cỗ và trái cây được bày trên bàn thờ để dâng lên ông bà và tổ tiên, đón ông bà về ăn Tết cùng gia đình. Phong tục này cũng thể hiện giá trị nhân văn và đạo đức, là cách nhắc nhở con cháu về việc giữ gìn đạo lý gia đình và duy trì lối sống uống nước nhớ nguồn, không quên nguồn gốc tổ tiên.

<<<Xem thêm:Mâm cỗ tết miền Nam với những món ăn không thể thiếu

2.4 Xông đất đầu năm

Khi thời khắc giao thừa kết thúc, bước sang một năm mới, các chủ thường chọn những người hợp tuổi, hiền lành, và có gia đình hạnh phúc để làm người đầu tiên bước vào nhà để xông đất. Điều này được thực hiện với mong muốn chào đón năm mới với sự thuận lợi và tốt lành, hy vọng mọi việc trong năm mới đều diễn ra suôn sẻ và may mắn.

2.5 Chúc Tết và lì xì đầu năm

Truyền thống chúc Tết không chỉ là một nét đẹp văn hóa từ thời xa xưa, mà còn là một phần không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên Đán. Ngày mùng 1 tháng Giêng, gia đình thường cùng nhau đi chúc Tết bên nhà nội, nhà ngoại, mang theo những món quà nhỏ để mừng cho gia chủ. Con cháu thường chúc ông bà và người lớn tuổi một năm mới tràn đầy sức khỏe, may mắn, và bình an. Người lớn thường đáp lại bằng cách trao phong bao lì xì màu đỏ, chứa đựng những đồng tiền mới với ý nghĩa chúc cho con cháu nhận được sẽ ngày càng được đạt được nhiều may mắn, thành công. Tiền trong bao lì xì không quan trọng ít hay nhiều mà nó tượng trưng cho tài lộc, cho sự may mắn của cả người cho lẫn người nhận.

2.6 Đi lễ chùa đầu năm

Đi lễ chùa đầu năm được coi là một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt Nam. Vào đầu năm, mọi người thường đi lễ chùa với mong muốn cầu cho một năm mới may mắn, hạnh phúc, Ngoài ra, nó còn là cách để thể hiện lòng thành kính đối với Đức Phật và tổ tiên. Đi lễ chùa đầu năm còn là việc khiến bản thân mình trở nên thanh tịnh hơn, gột rửa những điều cũ, bắt đầu cho một năm mới với những điều may mắn, tốt đẹp.

2.8 Xin chữ đầu năm

Vào những ngày đầu xuân năm mới thì người Việt thường cùng nhau đi xin chữ về treo trong nhà với mong muốn cầu cho những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình, người thân của mình. Mỗi nét chữ hiện ra, may mắn càng đong đầy hơn, cả người cho chữ và người xin chữ đều nhận được lộc đầu năm. Mỗi người xin chữ đều mang theo ước mong khác nhau, nhưng tất cả đều đồng lòng mong một năm mới đầy đủ niềm vui, mọi điều tốt lành, hạnh phúc, gia đình hòa thuận và ấm áp, đạt được những thành công trong cuộc sống.

Bài viết trên Blog Ẩm Thực đã giới thiệu đến bạn những lễ cúng Tết quan trọng mà gia đình nào cũng phải làm. Hi vọng rằng những chia sẻ này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các nghi lễ truyền thống và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho những lễ cúng quan trọng khi Tết Nguyên Đán đang đến gần.

<<<Xem thêm:Gợi ý 10 món ăn chống ngán ngày tết dễ làm nhất

Add comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *